Thoái Hóa Xương Khớp Và Cách Phòng Tránh

 Phương dược và bệnh lí xương khớp (chủ đạo là thoái hoá) 

Vấn đề đặt ra 1: Phàm đã thoái hoá là bệnh mạn, chứng hư, trị liệu tất phải bổ. Thận chủ xương khớp, đương nhiên bổ thận (tư hoặc ôn). Nhưng sao bổ mãi vẫn không ổn? Những cơn cấp, gân cơ co rút mà đau đớn dữ dội, thường do phong, hàn, thấp gây nên, cấp của mạn. Trị liệu đương nhiên khu phong, tán hàn, trừ thấp, giảm đau, chống viêm, giải cơ, hành khí hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc. Nhưng sao chỉ ổn định một thời gian ngắn thôi? Ba khí phong, hàn, thấp không cứ phải bên ngoài nhập vào (nếu chỉ riêng ngoại nhân thời dễ chữa, khỏi hẳn nhanh chóng), can động sinh phong, cực nhiệt sinh hàn, hoả thường kiêm phong, nhiệt thường kiêm thấp. Cấp thuộc tiêu, mạn thuộc bản.

Bệnh gồm cả tiêu lẫn bản, không trị bản, chỉ trị tiêu, chẳng khác gì hái đọt non ngọn rau, chồi lại đâm ngay sau đó. Cho nên, các phép trị tiêu đa phần cứ ngừng trị lại tái chứng, kể cả khi dùng Độc hoạt tang kí sinh hay các phương kiêm bổ thận tương tự. Nếu không có phương trị bản, thì nhất định không nhận trị mỗi tiêu. Bởi vì chán, nhiều người, đổ xô đi trị xương, khớp và thoả mãn với kết quả trị tiêu (tức là trị cấp và có thể đoán định, dự trù thời điểm người bệnh sẽ tái phát, lại phải đến chữa).

Vấn đề đặt ra 2: Tỉ lệ thoái hoá xương, khớp ở người trẻ mấy mươi năm nay rất nhiều, tăng chóng mặt, kêu là trẻ hoá lão hoá. Chưa hết tuổi sinh trưởng, đã thoái hoá xương, khớp, ngang với người già. Nói, “bệnh người già”, là chỉ sự đau nhức xương, khớp ở người cao tuổi. Về sinh lí tự nhiên của người, tuổi sinh trưởng tính đến khi chiếc răng khôn cuối cùng mọc xong (khoảng từ 28 – 34t), rồi tới giai đoạn trung niên cũng rất hiếm khi bị thoái hoá xương, khớp kiểu người già (thoái hoá không phục hồi như trước được nữa). Xong tới giai đoạn lão hoá, mới thoái hoá. Nữ sau khi tắt kinh (khoảng 49t trở đi), nam sau khi mãn tinh (khoảng 60t trở đi), nên Hội người cao tuổi kết nạp thành viên nữ 50t, nam 60t.

Những người thoái hoá xương, khớp ở độ tuổi người già kiêm thêm nhiều chứng hư của thận như, xương giòn, đái đêm, ngủ ít (không phải là mất ngủ), ăn ít, tiền liệt tuyến, răng yếu/rụng, tóc trắng/rụng, mắt mờ, tai ù/điếc, trí nhớ suy giảm… Lúc này mới cần bổ thận, khí huyết, để duy trì sự bình ổn lâu dài. Chứ người trẻ chỉ bị thoái hoá, không kiêm các chứng thận hư, thì bổ thận lại vô hiệu. Bổ thận, tức là bổ dưỡng, bù đắp sự thiếu hụt. Giống như vá áo, chỗ nào mòn, thủng, rách, thì vá vào, nên không thể lành lặn, đẹp đẽ như trước được, mới gọi là mạn, không thể chữa trị dứt điểm do là quá trình suy thoái tự nhiên của con người. Còn như người trẻ bị thoái hoá không kèm thận hư, bổ làm gì? Áo có rách đâu, mà vá víu vào? Xét ra, chỉ làm xấu đi mà thôi. Nhưng nếu không bổ thận (chủ xương, khớp), thì chữa bản thế nào cho phù hợp?

Vấn đề đặt ra 3: Thế thì thoái hoá xương, khớp ở người trẻ không phải thể mạn tính tự nhiên như người già, chữa trị dứt điểm được chứ. Thực tế lâm sàng, đã trị và biết nhiều người trị thoái hoá ở người trẻ dứt điểm được, công hiệu thần tốc. Cơ sở xác nhận bằng cận lâm sàng của yhhđ, chứ không phải là chỉ hết triệu chứng lâm sàng. Và các phương thuốc Nam này, đều không gồm vị nào bổ dưỡng thận. Có bổ, là bổ tả, công phạt trị liệu, chứ không hề bổ dưỡng thận. Những khi hội đàm, tìm cách giải thích, chỉ biết nhìn nhau cười… trừ. Vì nếu ốp y lý Trung y vào, chả khớp tí nào. Tức là, phải có một bên chưa thoả đáng. Nếu y lý đúng hoàn toàn, tất dược lý sai hoặc thiếu sót trầm trọng (tức là những vị thuốc ấy phải bổ thận rất mạnh mẽ, hơn nhiều lần thục địa – vị thuốc duy nhất của Trung y được coi là có thể bổ thận âm và phải dùng rất lâu mới tác dụng, không thì không thể nào thần tốc đến thế) và ngược lại.

Vấn đề đặt ra 4: Cứu xét đến giờ, tạm kết luận, y lý của Trung y không sai, mà phương dược của Nam y điều trị thoái hoá xương, khớp ở người trẻ cũng không sai. Vấn đề ở chỗ… chả biết nói thế nào. Chỉ có thể tạm trình bày như sau:

– Không phải đến khi nhờ các thiết bị của yhhđ xác định thoái hoá xương, khớp là do thiếu canxi, yhct mới biết. Yhct nói đại ý: Người thiếu chất vôi, bất luận ở lứa tuổi nào, đều xảy ra các chứng về xương, khớp, thường khớp trước, xương sau. Nếu thiếu ở xương đầu, thì thóp thở không kín (thường thấy ở trẻ em), thiếu ở xương ngực, thì ngực dô (gồ) ra (thường thấy ở trẻ em), thiếu ở xương sống, thì lưng gù xuống (người gù – thấy cả ở người trẻ, còng lưng – thường thấy ở người già), thiếu ở xương tay, chân, thì còm cõi, mềm yếu, run rẩy… Chất vôi này, tương ứng canxi của yhhđ. Nhưng dược vị điều trị thiếu chất vôi của yhct không nghĩa là bổ sung đơn chất canxi, mà dược vị bao gồm thành phần canxi cùng các đơn chất khác và chúng được cơ thể hấp thụ, hoạt hoá phù hợp, tự nhiên. Những thành phần ngoài canxi trong dược vị chứa chất vôi có ý nghĩa, tác dụng và công năng khác, nhưng chung mục đích trị liệu.

– Từ nhận định đó, yhct (thuốc Nam) sử dụng các phương dược bù đắp/bổ sung chất vôi, để trị các chứng thoái hoá xương, khớp ở trẻ em, người trẻ và duy trì sự bền bỉ ở người già, mà không hề lấy bổ thận làm chủ đạo duy nhất.

– Đem phân tích các vị thuốc/phương dược tương ứng, quả đều có chứa hàm lượng canxi, vitamin D lớn (gọi là chất cơ bản). Hoàn toàn khớp với nhận định của yhhđ. Tuy nhiên, khi điều trị bằng cách bổ sung đơn chất canxi, dầu đã được tinh chiết ở dạng thuốc tiêm, uống, thực phẩm, hàm lượng cao hơ hẳn… lại không cho kết quả khả quan như phép trị gốc của yhct, thậm chí, bị phản, là vì sao?

– Yhct nói: Chất vôi không có dương khí bên ngoài trợ giúp, thì không thể hấp thụ, chuyển hoá, gây ra thiếu hụt, lâu dần thành thoái hoá. Một lần nữa, hoàn toàn khớp với yhhđ. Dương khí bên ngoài ở đây chính là ánh nắng – vai trò của vitamin D. Yhhđ chỉ ra rằng, cơ thể người không thể tự sản sinh ra/hấp thụ trực tiếp vitamin D từ thực phẩm, mà chỉ có tiền vitamin D. Phải nhờ tác động của ánh nắng mặt trời, tiền vitamin D trong cơ thể mới chuyển hoá thành vitamin D, giúp xương sinh trưởng, cứng cáp, đàn hồi, dẻo dai, bền bỉ.

Suy xét những điều trên, thấy quả thực lí thú vô cùng! Chiêm nghiệm từ thực tế cũng như cứu xét khoa học y học, đều rất rõ ràng, chính xác và ăn khớp. Ví như là, người trước thường hay mang trẻ em ra “tắm nắng”, kêu là để cho “cứng xương”. Những người tập luyện khí công, thường khi ở chỗ cao ráo, đón ánh bình minh, hít thở dương khí nhiều, xương khớp rất cứng cáp, dẻo dai. Người phương Tây thích “tắm nắng”, dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học này. Lại thấy nhu cầu tự nhiên của cơ thể người, luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu, khoẻ khoắn khi được tắm nắng ở thời điểm nhất định và phù hợp. Chúng ta dễ thấy những hình ảnh chó, mèo, các loài động vật có xương sống thích “tắm nắng”. Ấy đều là nhu cầu tự nhiên thiết yếu của cơ thể.

– Trước nay, trị các chứng xương, khớp của người trẻ, kết quả không tệ. Trị tiêu, châm, cứu, xoa bóp chỉ đôi ba ngày phải giảm 7-8 phần, không lâu (chuyên dùng thuốc xoa bóp, giải cơ, thông kinh lạc bằng các động tác nhẹ nhàng – lấy nhu chế cương, châm hay cứu, thường dùng thiên ứng và một ít huyệt biệt kinh kì lạc, hiếm khi dùng trên chính kinh), đồng thời, trị bản bằng các phương dược, nhiều lắm đến 3 tháng thôi. Nhưng thực là chưa tâm đắc với phương dược nào cả, cứ thấy thiếu thiếu “cái gì đó” và không biết “cái gì đó” là “cái gì đó”. Giờ thì hiểu, “cái gì đó” là “cái gì đó” rồi.

– Thử suy ngẫm rộng ra chút, tại sao người trẻ ngày nay lại bị thoái hoá xương, khớp lắm thế? Trong khi rõ ràng, ăn uống đầy đủ hơn, sinh hoạt văn minh hơn… Bảo là do ít vận động, ngồi/nằm nhiều, nhiễm độc hại thực phẩm… chưa thật xác đáng, đầy đủ. Mà còn do thiếu dương khí bên ngoài, để trợ giúp các chất chuyển hoá ích lợi cho xương, khớp.

+ Suốt ngày ngồi phòng kín (lại còn phòng lạnh, chỗ mát). Đi ra đường, chưa nắng đã bịt, che, đội, choàng khắp người. Kín quá thì tích nhiệt, nhiệt sinh thấp. Nhiệt không giải ra được thành hoả, hoả lại kiêm phong. Kín quá, hoả nhiệt bế tắc, tích tụ sinh hàn (cực nhiệt sinh hàn). Phong, hàn, thấp chẳng có lối thoát, thấm luôn vào người. Kín quá lâu, lười vận động, lao động, ăn mặc thoáng đãng ở nơi có ánh sáng tự nhiên, mồ hôi không toát tự nhiên, khiến cho phong, hàn, thấp tại biểu không có lối dẫn giải ra ngoài. Lại luôn bị nhiệt tích tụ bên ngoài áp lực, đẩy/buộc chúng phải thấm sâu vào cơ xương, nội tạng, phát ra đủ thứ bệnh khó trị khó trừ.

+ Khẩu trang kín mít, hít vào toàn khí vừa thở ra, chứ có được mấy dương khí đâu. Hơi thở ra, là những thứ cơ thể cần gột rửa, loại bỏ, kêu là thán khí (bao gồm cả virut, vi khuẩn bị cơ quan hô hấp trên phòng vệ đẩy ra), tựu trung đều ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ. Dung tích phổi (phế kim) có giới hạn cho mỗi lần hít dương khí trong lành (oxy), để thực hiện quá trình trao đổi khí tại phổi, khi hít vào, không tự phân biệt, chọn lọc được đâu là thán khí, đâu là dương khí, miễn cứ đủ dung tích là ngừng. Thán khí không thoát ra rộng được, tích tụ ngay tại khẩu trang, liền đó lại được hít vào. Thế là phế kim không lấy đủ dương khí cần thiết, lại bị thán khí xâm nhập ám hại, dần dần suy yếu, gây ra các chứng đường hô hấp trên.

Phế kim suy yếu, không đủ sức khắc chế can mộc. Can động sinh phong, phát tướng hoả, hại tâm tổn huyết. Tâm chủ huyết, can tàng huyết. Tâm, huyết khuy tổn, thì chuyển hoá chất lợi ích, đào thải chất bất lợi không thể trọn lành. Lợi không dùng được, hại không đuổi đi được, cứ thế từ từ mà nhược. Phong can làm cho gân co quắp, cứng rút, mất tính đàn hồi dẻo dai (can chủ cân – gân), gây ra các chứng cứng khớp, không hoạt bát, dễ tổn thương, tràn dịch, bong gân, trật trẹo khớp…

Phế kim suy yếu, không đủ sức sinh dưỡng thận thuỷ, lâu dần thận thuỷ phải suy. Thận thuỷ suy, thì tâm, can hoả động chứng.

Phế kim suy yếu, hoá điên đảo, trở ngược khắc tỳ thổ. Nói cách khác, tỳ thổ phải gồng mình, tận lực, ráng sức nuôi phế kim. Lâu dần thành ra đuối sức, nhiệm vụ hoá cốc không trọn lành được nữa. Lại khiến vị bị tổn thương, mà sinh ra các chứng trào ngược, ợ hơi, ợ chua, đầy khí, tích thực, hoặc đờm hoặc ẩm bĩ tích. Cốc không được hoá trơn tru, đầy đủ, thì huyết nhược (tỳ sinh huyết), không đáp ứng được nhu cầu của cơ nhục (tỳ chủ cơ nhục), mà sinh ra các chứng co cơ, mỏi cơ, đau cơ, cơ kém trương lực, không rắn chắc, mạnh mẽ.

Phế kim chủ bì mao, nếu bị suy yếu, da lông tất kém nhuận, sức phòng vệ của da kém, thường mắc các chứng dị ứng, phát ban, ngứa ngáy, kêu là “dị ứng cơ địa”, “dị ứng thời tiết”, trị không khỏi nổi, sống chung với lũ thôi. Ức chế, tạm ngưng hay giảm cơn ngứa chỉ là trị tiêu.

Dương khí là vệ khí, da lông là cơ quan phòng vệ mạnh mẽ bề mặt cơ thể, mà xét về diện tích, tính năng, vai trò cũng tương đương một tạng hoàn chỉnh. Phế kim bị tổn thương, vệ khí và chức năng phòng vệ của da lông đương nhiên suy yếu. Sáu khí tà dễ dàng xâm nhập vào, nội – ngoại nhân đồng thời kết hợp, bệnh tật thoải mái sinh sôi. Trị tiêu thêm khó, trị bản càng khó hơn.

Tóm lại, rất là lôi thôi, rắc rối, loằng ngoằng, chỉ mỗi chỗ thở ra, hít vào, để lấy dương khí trọn lành vậy thôi. Mà suy tới đây rồi, không còn biết đang suy gì nữa. Tựu trung ý là, đời người tính bằng hơi thở, ngừng thở là hết đời, chứ chả phải ngày mai ngày kia, năm này năm sau, tuổi này tuổi nọ đâu. Hãng cứ lo mà giữ được hơi thở cho trọn lành đã, rồi mới tính mọi chuyện tiếp theo được.

+ Đi ra nắng một tí chỉ sợ đen. Vận động thể thao nếu không ở trong phòng, cũng khi sáng sớm, chiều tối, chui vào chỗ bóng râm (thời điểm, vị trí rất ít dương khí, ánh nắng)… Dương khí ở ngoài chả mấy khi có cơ hội vào được cơ thể, đương nhiên thiếu canxi, thoái hoá. Cho dù uống trực tiếp hàng kg canxi cũng bằng không thôi. Còn nếu đầy đủ sự trợ giúp của dương khí bên ngoài, thì chỉ cần ăn uống bình thường là đủ rồi, lấy đâu ra thiếu canxi mạn tính được nữa.

– Cho nên, phải chịu khó vận động dưới ánh nắng mặt trời. Tầm 6h – 8 hay 9h với ngày nắng sớm, to, tầm 8h – 11h hay 12h với ngày nắng yếu, mát trời hay không nắng (xong, dù ra mồ hôi nhiều, cũng không được đi tắm luôn, chỉ dùng khăn thấm cho khô, sạch thôi). Đây thuộc kiến thức hoá – lý lớp 8, hồi học sinh, cô giáo dạy tôi bảo rằng là, chọn lúc ánh nắng có bước sóng lam đa gì gì đấy, ở mức độ bao nhiêu đấy là vừa, không bị nắng nóng quá. Xét ở góc độ y học với sức khoẻ xương, khớp là hoàn toàn phù hợp. Thế nên, trường học cho học sinh tập thể dục giữa giờ (tầm 9h, 15h), dưới sân nắng là rất đúng đắn. Giờ lại sợ bị nắng, cho tập trong phòng hoặc dưới tán cây, rõ là không khoa học bằng thuở trước.

Nhất định phải có dương khí, mới phòng tránh bệnh lí xương, khớp và/hoặc thêm cứng xương, bền khớp, hoặc điều trị nhanh chóng kết quả được. Đây là lí do, khi tôi trị xương khớp thuộc tiêu, không cho phép người bệnh nằm trong phòng lạnh, cũng không bật quạt. Cho ánh sáng, ánh nắng chiếu vào người, chân hướng Nam, đầu hướng Đông. Lấy nhu chế cương, chứ không làm mạnh – tức dùng cương chế cương. Tất nhiên, còn nhiều lí do liên quan đến chuyên môn nữa với những thiết chế nghiêm ngặt như vậy. Mục đích không ngoài lợi ích và bảo vệ người bệnh. Do đó, bất kì người bệnh nào không chấp hành được, nhất định không nhận chữa, chỉ tổ phí công sức, lại còn gây hại cho họ. Người bệnh buộc phải tự nguyện chấp hành nghiêm y lệnh, hướng dẫn điều trị của người chữa và người chữa không hề có trách nhiệm phải đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của người bệnh, tác động xấu đến quá trình trị liệu. Đó là quan điểm của tôi, không ưng, thì mời đi chỗ khác mà đòi hỏi.

– Lại lưu ý: Cho dẫu tiết trời nào, nhất là những người đã bị thoái hoá, tuổi già, cũng nên quàng khăn hay áo cao cổ, để che gáy (phong phủ). Hạn chế ở phòng lạnh, không cho máy lạnh, quạt thổi vào gáy, mặt. Khi ngủ, nghỉ trời lạnh, phải giữ ấm/kín chân, để hở đỉnh đầu và mũi. Chân bị lạnh, phải lo giữ kín/ấm. Đừng coi thường những phép dưỡng sinh tưởng như chỉ giành cho người già, mà chê bai, dè bỉu, “thời trang hơn thời tiết”. Rồi từ từ sẽ tự thấy tác dụng hữu ích với sức khoẻ, quý giá vô cùng, đỡ khổ sở vì bệnh tật bao nhiêu. Những thói quen này của người xưa, không phải ngẫu nhiên mà có. Vốn dĩ chúng ta đã “gần đất” – âm mà “xa trời” – dương rồi, lại cứ chặn hết lối cơ thể có thể hấp thụ dương khí, tất sẽ mau chóng “hoá đất” luôn thôi, than trách gì nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0911.911.090